Cứ cố gắng tìm hiểu những sự vật và hiện tượng này kia xem bản chất của nó là gì. Tại sao thế này? Sao lại không thế kia? Vì sao lại thế?
Như là đọc thơ Huy Cận chẳng hạn. Viết rằng:"Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu"
Thì nghĩ ngay, ơ sao bác ấy lại viết là "sâu chót vót"? Một lần đứng trên bờ đê, nhìn sông Phó Đáy mới hiểu được ý tứ của nhà thơ. Thì ra vậy, hiểu thơ không dễ! Cần phải đứng ở tâm thế của tác giả, hoàn cảnh, không gian, thời gian mới có thể hiểu được vài phần. Và tất nhiên là người đọc thì có thể "đồng sáng tạo"!
Hay như Tô Đông Pha có lần còn cười ruồi chê thơ Vương An Thach, câu của họ Vương viết thế này:
"Minh Nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng Khuyển tựu trung hoa"
Tô cười bảo, "trăng sáng chiếu đầu núi, chó vàng nằm trong lòng hoa", bèn cầm bút mà sửa thơ của Vương. Sau này Tô mới vỡ lẽ ra rằng có một loại chim Minh Nguyệt, có một loài Hoàng Khuyển sâu.
Ấy là bản chất trong thi ca.
Trong toán học, tin học.... những sự bản chất ấy càng được coi trọng.
Nhưng có những thứ thì không thể và không nên xét bản chất!
Đó là tình thương yêu!
Đừng có bao giờ hỏi xem vì sao bố mẹ yêu con, vợ yêu chồng, anh yêu em, thầy thương học trò....
Những thứ ấy không định lượng được, lại càng không thể định tính. Nếu cứ ép nó vào định lượng nào đó, định tính nào đấy thì nó không còn là tình thương yêu nữa rồi.
Khi một nguời thân ra đi, những sự bản chất ấy chẳng có ý nghĩa gì nữa...
Blog của Nguyễn Thanh Hải